Bài Diễn Văn Khai Mạc Hội Nghị 2018

Trọng kính quý Đức cha,

Kính thưa toàn thể Hội Nghị,

Sau 10 năm thành lập Caritas Việt Nam, một thời gian không dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại hành trình cùng sát cánh bên nhau để phục vu trong yêu thương. Mười năm tự hào về những gì đã làm được cho những người kém may mắn, đã tạo được sự uy tín với các đối tác, với các ân nhân. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại với những kết quả đã thu lượm bằng hành trang thiết yếu là sự chuyên nghiệp, và trách nhiệm của một nhân viên Caritas, nhưng chúng ta còn cần phải thăng tiến hơn nữa, thăng tiến trong tình liên đới.

Liên đới để thăng tiến” không chỉ là một nguyên tắc nhưng còn là một nghệ thuật để việc phục vụ của Caritas được tốt hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với kế hoạch và tinh thần bác ái xã hội của Giáo hội như Thư Mục vụ 2006 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã mời gọi: “Đời sống bác ái có thể thực hành bằng nhiều cách. Chúng tôi mời gọi anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ, nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc.” (số 6).

Liên đới là chiều kích sâu thẳm của con người sống với nhau trong xã hội. Liên đới bao hàm ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho nhân loại. Theo quan điểm Công giáo, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi liên đới là một “nhân đức Kitô giáo”, là một hình thức hiện đại hoá của bác ái Kitô giáo.

Trong niềm vui mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Caritas, chúng ta cùng suy tư về “Liên đới để thăng tiến” dưới 3 khía cạnh như sau:

  •  Liên đới trong cơ cấu văn phòng Caritas
  •  Liên đới trong mạng lưới Caritas
  •  Liên đới với đối tác và các tổ chức trong và ngoài xã hội.

 

1.  Liên đới trong cơ cấu văn phòng Caritas 

Qua 10 năm hoạt động với nhiều nỗ lực và thiện chí, hiện nay, không chỉ Caritas Việt nam nhưng hầu hết các Caritas Giáo phận đều đã có cơ cấu tổ chức văn phòng cùng với các nhân sự đã được đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong hoạt động bác ái xã hội với ý thức về sứ mệnh của Caritas là “Xây dựng cộng đồng yêu thương và ý thức trách nhiệm thực thi bác ái.”

Mặc dù có chung một định hướng, một mục tiêu, nhưng chắc chắn để có được sự đồng thuận của tất cả mọi người trong một vấn đề chung không phải là việc dễ dàng. Mỗi văn phòng làm việc đều có ít hay nhiều thành viên, mỗi người một tính cách khác nhau. Không phải lúc nào những nhân viên Caritas làm việc đa diện cũng hoạt động một cách có hiệu quả. Đôi khi chính những khác biệt, không nhất quán có thể là tiền đề tạo ra sự sáng tạo, năng suất làm việc cao, nhưng cũng có thể là nguyên nhân tạo ra các rào cản trong việc thi hành bác ái.

Tất cả anh chị em là thân thể Chúa Kitô và mỗi anh chị em là một bộ phận trong thân thể ấy” (1 C 12, 27). Không có hình ảnh nào phong phú và sâu xa để nói về tinh thần liên đới bằng hình ảnh cấu trúc của một thân thể. Mỗi cơ quan hay bộ phận dù có chức năng nhỏ đến đâu đi nữa đều phải hoạt động liên đới nhịp nhàng với nhau, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến toàn thân.

Ngoài ra, hình ảnh cây nho gắn liền với thân cây nho trong Tin mừng Gioan mà Chúa Giêsu diễn tả cho các môn đệ cũng là hình ảnh thật đẹp về tính liên đới (Ga 15, 1-2). Một dòng nhựa sống sẽ lưu chảy từ gốc rễ lên thân, ra đến cành nhánh, rồi sinh hoa kết trái khi có sự hợp nhất giữa thân và cành. Mỗi thành viên trong văn phòng Caritas là những cành nho, là những chi thể. Có khi nào chúng ta đặt dấu chấm hỏi là liệu cành có ở trong, có gắn liền với thân nho không? hoặc các chi thể đã phối hợp hài hoà để tạo nên một thân thể khoẻ mạnh chưa?

Không ai là một ốc đảo, mỗi người đều có vai trò, có một khả năng khác nhau nhưng chúng ta đều có một trách nhiệm với nhau và với tha nhân, vì vậy chúng ta các thành viên Caritas phải liên đới trong tinh thần yêu thương, sẻ chia giữa những người đồng nghiệp với nhau như dòng nhựa lưu chảy từ gốc rễ lên thân để công việc phục vụ mỗi ngày thăng tiến hơn.

 2.  Liên đới trong mạng lưới Caritas

Caritas Việt Nam bao gồm các thành viên trong 26 Caritas giáo phận. Đây là một mạng lưới rộng lớn để chúng ta thực thi bác ái « con đường chính của Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội » (Caritas in Veritate, 2). Mười năm trôi qua, mạng lưới này đã không ngừng phát triển với những nỗ lực và nhiệt huyết của các thành viên Caritas và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Thế nhưng, đứng trước thực trạng tỷ lệ tái nghèo tại Việt Nam đang gia tăng do tác động của lạm phát, Caritas chúng ta rất cần xây dựng tính liên đới trong mạng lưới để có thể tiếp cận được những vùng ngoại biên, chạm đến những bất công của những người rất cần sự hỗ trợ của chúng ta.

Liên đới là một trong những sứ mạng của Caritas Việt Nam: “Phối hợp với Caritas các Giáo phận để tổ chức các hoạt động bác ái xã hội, thực hiện các chương trình và dự án theo kế hoạch đề ra.” (Tổng quan về Caritas Việt Nam). Liên đới là yếu tố then chốt giúp xây dựng mạng lưới giữa Caritas Việt nam với các Caritas Giáo phận trong tương quan hoạt động bác ái, nhưng không can thiệp vào việc điều hành tổ chức của các Caritas giáo phận, vì việc thi hành bác ái của mỗi Giáo phận là độc lập nhưng không biệt lập.

Theo Anthony D’Souza, liên đới trong mạng lưới sẽ không thể thực hiện được khi thiếu yếu tố tham gia của các thành viên trong cùng một tổ chức, đó là Caritas Giáo phận cùng với các đơn vị Caritas giáo hạt và giáo xứ, là những đơn vị cơ sở làm việc trực tiếp với những người cần được giúp đỡ, và là những người có thể đến tận vùng ngoại vi để thực thi bác ái. Vai trò của Caritas Giáo phận, như một nhịp cầu hết sức thiết yếu cho mối tương quan và tính liên đới giữa Caritas Việt Nam với Caritas Giáo phận, giữa các Caritas Giáo phận với nhau và giữa Caritas Giáo phận với các Giáo hạt, Giáo xứ, để hình thành một mạng lưới liên kết thực thi bác ái theo đường hướng hoạt động của Hội đồng Giám mục.

3.  Liên đới với các đối tác và các tổ chức trong và ngoài Giáo hội 

Liên đới để thăng tiến không chỉ giới hạn trong cơ cấu của văn phòng, trong mạng lưới Caritas Việt nam và Caritas Giáo phận, nhưng còn phải mở rộng sự liên đới đến các đối tác, các Dòng tu và các tổ chức phi chính phủ.

Với các đối tác: Trong 10 năm qua, Caritas Việt Nam Caritas Việt Nam đã có nhiều dự án và chương trình hoạt động như: giáo dục, HIV, khuyết tật, bảo vệ sự sống, hỗ trợ người di dân, phòng chống buôn người, cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường. Hầu hết các dự án được hỗ trợ từ các đối tác quan trọng như Misereor, Caritas Đức, Caritas Na Uy, Caritas Slovakia, Catholic Medical Mision Board, Catholic Relief Service… để tạo điều kiện cho Caritas Việt Nam thực thi bác ái. Hiệu quả đạt được do chúng ta đã tạo được niềm tin và tính liên đới với các đối tác. Nét son này cần được tiếp tục duy trì để các dự án và những hoạt động bác ái mở rộng hơn nữa.

Với các dòng tu: Giáo hội Việt Nam hiện tại có trên 280 Hội Dòng và Tu Hội với mục đích, tôn chỉ, hoạt động riêng biệt. Hầu hết các dòng tu đều tham gia hoạt động bác ái xã hội theo Linh đạo của mỗi dòng như: giúp các em học sinh nghèo, người khuyết tật, già yếu, neo đơn, làm nhà tình thương; dạy nghề và giáo dục giới trẻ cũng như chăm sóc di dân. Tuy nhiên không phải tất cả các dòng tu đã đồng hành với Caritas Việt Nam và Caritas Giáo phận trong các hoạt động bác ái xã hội. Đây có lẽ là thiếu sót của cả 2 phía. Thực thi bác ái là sứ mạng chung của cả Giáo hội, nên thiết tưởng rất cần sự liên kết giữa các Dòng tu và Caritas, như chúng ta vẫn từng nhấn mạnh.

Liên đới giữa ba Ủy ban: Di dân – Loan báo tin mừng và Bác ái 

Liên đới giữa ba Ủy ban: Di dân – Loan báo Tin Mừng và Bác ái là khát vọng không chỉ của 3 Đức cha Chủ tịch, nhưng cũng là niềm hy vọng và ước mơ của các thành viên thuộc cả ba Uỷ ban. “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Đây là một sứ mạng lớn lao mà Đức Kitô đã uỷ thác cho toàn thể Giáo hội. Và hôm nay, sau hơn 2000 năm, lệnh truyền này vẫn khẩn thiết như xưa. Lệnh truyền này nên được âm vang mạnh mẽ trong con tim của mỗi người chúng ta. Ngay tại quê hương Việt Nam chúng ta đây, với hơn 90 triệu dân, nhưng những người tin nhận Chúa mới chỉ chiếm trên dưới 7 triệu người, một con số rất nhỏ. Điều đó cho thấy chúng ta phải tiếp tục công việc Chúa đã trao một cách mạnh mẽ hơn, tích cực hơn.

Mỗi Uỷ ban đều có định hướng và hoạt động riêng để thực thi huấn lệnh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, sứ mạng của chúng ta sẽ sinh hoa trái tốt hơn nhờ vào sự liên kết với nhau để phục vụ và đem tình yêu thương đến những anh chị em di dân, những người nghèo hèn, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, trung thực, nhân ái. Cùng liên đới là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn như Đức Phaolô VI đã gửi đến chúng ta một sứ điệp “Với lòng nhiệt thành, các con hãy xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” (Sứ Điệp Gửi Đến Người Trẻ, 12 tháng 8 năm 1965).

Với các tổ chức phi chính phủ: Theo báo cáo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 160 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy đăng ký. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một trong những kênh hỗ trợ tập trung vào các dự án, chương trình thuộc lĩnh vực y tế, đề tài nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực y học, giáo dục, đào tạo, chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai bão lụt. Đây là những hoạt động quan trọng cũng như được đầu tư nhiều nhất của hầu hết các các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… Vì vậy, chúng ta nên và cần liên đới với các tổ chức phi chính phủ này để góp phần hỗ trợ Caritas Việt Nam và Caritas Giáo phận trong quá trình làm thay đổi cuộc sống của người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Thay Lời Kết

Dưới ánh sáng đức tin, tính liên đới không chỉ để liên đới xét về mặt nhân văn và tính cộng đồng, nhưng còn hướng tới chiều kích đặc thù kitô giáo, đó là tính liên đới xuất phát từ tình yêu Đức Kitô (Caritas Christi).  “Anh em hãy yêu nhưThầy đã yêu” (Ga 13, 34) Tình yêu không kín múc từ Chúa Giêsu là tình yêu thế gian (Ga 15, 19), còn tình yêu kín múc từ Ngài thì được gọi là tình yêu trong điều răn mới, là tình yêu trải rộng cho đến vô cùng như Chúa Giêsu đã trải rộng cho đến chết trên Thánh Giá.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Caritas Việt Nam cảm nhận được tình yêu thương và sự đồng hành của Chúa trong suốt hành trình đầy vui mừng và hy vọng. Những nỗ lực đóng góp của các Cha Giám đốc và Phó giám đốc, các nhân viên văn phòng Caritas và từng thành viên Caritas, đã góp phần làm ấm lòng những người nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những phận đời đau khổ nơi những biên cương rất cần vòng tay quảng đại của mọi người và những trái tim đong đầy yêu thương.

Hướng về tương lai, chúng ta dõi theo tầm nhìn và định hướng của Hội đồng Giám mục VN: tích cực tham gia 2 lãnh vực quan trọng là giáo dục và y tế. Luật tín ngưỡng và tôn giáo mới được ban hành đã chấp thuận việc các tổ chức tôn giáo tham gia lãnh vực giáo dục và y tế. Đây là vận hội mới cho tất cả chúng ta: mở trường tư thục và dạy học, mở thêm những lớp học tình thương miễn phí, mở thêm những phòng khám bệnh từ thiện và phát thuốc cho người nghèo vv… Các vị Chủ chăn cậy nhờ những tâm hồn quảng đại, những nhà tài trợ, cách riêng, cậy nhờ các hội viên Caritas chúng ta.

Ước mong dịp Hội Nghị kỷ niệm 10 năm tái thành lập Caritas Việt Nam hôm nay là một điểm nhấn thực sự, để với sự chúc lành của Chúa, với lời cầu nguyện và hy sinh âm thầm của rất nhiều tâm hồn quảng đại đang hướng về chúng ta cũng như mong đợi nơi chúng ta, tất cả chúng ta đồng lòng quyết tâm LIÊN ĐỚI với nhau để cùng THĂNG TIẾN trong YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ.

Xin cám ơn toàn thể Hội Nghị.

 

                                                                + Thomas Vũ Đình Hiệu 

Chủ tịch UBBAXH – CARITAS VIỆT NAM 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *