“Sinh lão bệnh tử” vốn là quy luật tất yếu của đời người. Cũng một kiếp người nhưng có những người sinh ra, lớn lên trong no đủ, giàu sang, tuổi già được con cái chăm sóc, cháu chắt sum vầy. Lại có những người cả một đời phải sống trong đói nghèo, cơ cực, đến khi về già vẫn phải lầm lũi kiếm ăn, sống lủi thủi một mình nơi quạnh vắng. Đó là hoàn cảnh của hai vợ chồng ông Vy Văn Puộc (80 tuổi) và bà Cầm Thị Quyết (70 tuổi), người dân tộc Thái ở làng Giang, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Lặn lội mất nửa ngày theo con đường gập ghềnh, lô nhô đá núi, chúng tôi mới vào được một ngôi làng nằm sâu trong hẻm núi để tìm đến nơi ở của hai ông bà. Đó là một ngôi nhà nhỏ đơn sơ, tồi tàn nằm trơ vơ dưới chân núi. Được biết, cụ ông bị tai biến gần 1 năm nay, phải vay mượn khắp nơi để chữa bệnh, hiện tại chỉ nằm trên giường bán thân bất toại. Từ khi cụ ông lâm trọng bệnh, mọi gánh nặng đổ lên vai cụ bà, vừa lo kiếm cái ăn cái mặc vừa lo tiền chữa bệnh cho chồng và trả nợ. Mặc dù có tới 8 người con nhưng tất cả đều rất nghèo, phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn cho chính gia đình mình, không đủ sức chăm lo cho cha mẹ già. Con đường mòn cheo leo bên sườn núi chính là nơi hàng ngày cụ bà leo trèo đi lấy củi về đốt than để bán. Con đường nguy hiểm đến mức chỉ cần sẩy chân một chút thôi là có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào, ấy thế mà hàng ngày cụ vẫn phải lặn lộn lên núi kiếm từng cây củi rồi một tay chống gậy, một tay vác củi trên vai để mang về nhà đốt lấy than đem bán. Vài ba ngày mới làm ra được 1 bao than, mỗi bao bán được vài chục nghìn, một phần mua thức ăn, thuốc men, một phần còn phải trả nợ. Có những ngày không đủ ăn, cụ bà phải nhường cơm cho cụ ông, bởi ông bị bệnh, không ăn thì không sống được. Vất vả, nhọc nhằn như vậy nhưng cụ bà vẫn chăm lo cho cụ ông từng chút một, giúp ông vượt qua bệnh tật. Họ nương tựa vào nhau sống qua ngày đoạn tháng.
Trò chuyện với chúng tôi, cụ nghẹn ngào nói: “Cuộc sống khổ lắm, nhiều khi chỉ biết khóc thôi, không khóc mà nước mắt cứ tự nhiên chảy ra, ai lên đây nhìn thấy cũng thương, cũng khóc theo bà”. Còn ông, mỗi khi đau đớn và đói khát, ông cứ than vãn rằng: “tôi khổ sở như vậy ông trời có thấu chăng”. Quả vậy, nhìn cụ ông ốm yếu, bệnh tật nằm một chỗ cùng dáng hình lom khom, đôi tay gân guốc, đôi chân lở loét vì đá núi của cụ bà, không ai là không thương xót. Tuổi già sức yếu, ông bà không dám ước mong điều gì quá cao sang, chỉ mong có đủ cơm ăn hàng ngày, có thuốc để uống và hơn thế nữa là được thoát ra khỏi hẻm núi này, có một mái nhà nhỏ đủ che mưa che nắng, để con đường kiếm sống mỗi ngày không còn là “con đường chết”.
Ai trong chúng ta cũng đều có cha có mẹ, nhìn thấy gia cảnh của ông Vy Văn Puộc và bà Cầm Thị Quyết chắc hẳn không thể cầm lòng được mà rơi nước mắt. Để giúp ông bà thực hiện được ước nguyện đó, Caritas Thanh Hóa khẩn mong sẽ nhận được sự giúp đỡ của tất cả các quý vị ân nhân trong tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Mọi đóng góp xin liên hệ với Cha Giám đốc Caritas Thanh Hóa Phaolô Nguyễn Văn Thường theo số điện thoại 0975369436.
BTT Caritas Thanh Hóa
Tin cùng chuyên mục:
Một Chiếc Xe Lăn, Ngàn Lời Yêu Thương
Tình Thương Lan Toả: Caritas Thanh Hóa Và Suất Cơm Ấm Nồng
Ngôi Nhà Tình Thương Giữa Dòng Đời Nổi Trôi
Ngọn Lửa Yêu Thương Giữa Bệnh Viện