“Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Điều đó tưởng chừng đơn giản nhưng đối với những đứa trẻ dân tộc thiểu số ở vùng núi cao xứ Thanh, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm thì con đường đến trường lại càng quá xa xôi.
Đến thăm một gia đình tại xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp bên túp lều tranh rách nát, nghiêng ngả là một bé gái 13 tuổi đang cặm cụi giặt một chậu quần áo to tướng, công việc mà ở thành phố có lẽ hiếm có đứa trẻ nào đồng trang lứa phải làm. Thấy chúng tôi đến, em chỉ len lén nhìn qua rồi lại tiếp tục công việc như thể còn bận trăm công nghìn việc khác. Em là con thứ hai trong gia đình gồm có 5 anh em, anh của em năm nay 15 tuổi, còn em út mới chỉ 3 tuổi. Nghe người dân nơi đây kể lại, vì hoàn cảnh quá khó khăn, cách đây hai tháng, mẹ của các em đã phải đi xuất khẩu lao động sang nước Cô-oét mong có thể kiếm tiền lo cho con cái. Nhưng trớ trêu thay, sau khi mẹ đi chưa được bao lâu thì bố của các em bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, tình trạng sức khỏe vô cùng nguy kịch. Vì không có tiền chữa bệnh nên bố cùng đứa con nhỏ 3 tuổi được đưa về nhà người thân bên Yên Nhân để nhờ họ chăm sóc. Buồn một nỗi là người thân cũng nghèo khó, không đủ điều kiện để giúp đỡ.
Bố mẹ vắng nhà, 5 anh em bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt. Tuổi nhỏ chưa làm được việc gì kiếm tiền, hàng ngày ai cho cái gì thì ăn cái đó, có hôm không có gì để ăn thì chỉ biết uống nước cầm hơi. Bước chân vào nhà, đồ đạc không có gì ngoài hai cái giường và một vài vật dụng thiết yếu. Xuống bếp chỉ thấy một nồi cơm nguội có vẻ như đang ăn dở, một ít gạo và một chai nước mắm mà cô Thu (cộng tác viên của Caritas Thanh Hóa) mới đưa cách đó mấy hôm. Bữa ăn hàng ngày của chúng chỉ có vậy thôi, cơm chan nước mắm sống qua ngày. Bỗng nhiên mắt tôi nhòe đi, sống mũi cay cay. Rồi ngày mai khi gạo hết, không còn ai cho nữa, các em sẽ sống ra sao? Mẹ đi xa, bố bệnh nặng nằm một chỗ, không có tiền liệu các em còn có thể đến trường đi học được hay không? Bốn đứa trẻ ấy khi được hỏi mong muốn điều gì thì ngay lập tức đều trả lời rằng muốn bố được khỏi bệnh. Với chúng, chỉ cần bố khỏe lại và trở về sống cùng chúng là một niềm hạnh phúc lớn lao rồi. Nhưng tiền đâu để chữa bệnh, tiền đâu để trả lại một người bố khỏe mạnh cho bọn trẻ? Những câu hỏi ấy cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi và tôi xin nhờ quý vị ân nhân cùng tôi đi tìm câu trả lời cho những đứa trẻ tội nghiệp ấy.
Hôm đi thăm các em về, đêm đó trời đổ mưa lớn, sấm sét giông tố nổi lên khắp trời. Bất chợt, tôi nhớ đến hình ảnh năm em nhỏ mong manh trong túp lều tranh tồi tàn và câu nói của cô Thu cùng người hàng xóm của các em lại văng vẳng bên tai: “Đấy, cha coi, căn nhà siêu vẹo rách nát như vậy đó. Mai kia người ta chặt hết keo rồi thì chỉ cần một cơn gió là ngôi nhà có thể sụp đổ tan tành.” Nếu điều đó xảy ra, những đứa trẻ tội nghiệp ấy phải chống chọi ra sao? Những câu hỏi ấy cứ quẩn quanh trong tâm trí khiến tôi thao thức không sao ngủ được. Tôi liền nhớ đến câu hát trong bài vọng cổ “Người mẹ và sân chim” mà tôi đã thuộc từ khi còn tấm bé: “Gió vẫn thổi, mưa vẫn rơi, rừng cây sao động. Thương từng cánh chim xa không kịp về tổ ấm để đàn chim con bơ vơ ngơ ngác giữa cây rừng, ríu rít gọi nhau trong mưa gió lạnh lùng….”
Nguồn Facebook : Juttin Nguyen
BTT Caritas Thanh Hóa
Tin cùng chuyên mục:
Một Chiếc Xe Lăn, Ngàn Lời Yêu Thương
Tình Thương Lan Toả: Caritas Thanh Hóa Và Suất Cơm Ấm Nồng
Ngôi Nhà Tình Thương Giữa Dòng Đời Nổi Trôi
Ngọn Lửa Yêu Thương Giữa Bệnh Viện