CHỊ DẬU THỜI NAY

Ai đã đọc tác phẩm “Tắt Đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố chắc hẳn đều nhớ nhân vật chị Dậu. Vào năm 1945, người phụ nữ ấy bị dồn đến bước đường cùng đến mức phải bán con, bán chó để lấy tiền nộp sưu cứu chồng khỏi bị giam hãm, đánh đập. Ngày nay, năm 20 của thế kỷ 21, tôi lại bắt gặp một “chị Dậu” cũng nghèo hèn cùng quẫn đến mức cơm không có mà ăn, quần áo không có để mặc, nhà không đủ để che mưa che nắng. Chỉ có điều, dù khổ sở thế nào “chị Dậu” này vẫn nhất quyết không bán con bán cháu, một đời hi sinh vì hạnh phúc của con cháu mình.

Tôi đang muốn nhắc đến hoàn cảnh của bà Phạm Thị Dậu, dân tộc Mường (xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Dường như cái tên đã nói lên được phần nào số phận của bà khi vừa mới sinh đứa con gái đầu lòng được 6 tháng thì chồng bà qua đời. Từ đó, bà một mình nuôi con khôn lớn thành người. Đến khi con gái lớn lên đi lấy chồng, những tưởng bà sẽ bớt đi gánh nặng nhưng thật buồn làm sao, con gái bà lại gặp phải một người chồng vũ phu, độc ác. Vừa mới sinh con được 12 ngày, ngày đầu tiên từ bệnh viện trở về nhà chồng, cô đã bị chồng đánh không thương tiếc và đuổi khỏi nhà. Không biết đi đâu về đâu, con gái bà đành phải ôm con về nhà mẹ đẻ để nhờ cậy bà chăm sóc. Thương con, thương cháu, bà lại gạt nước mắt đón con về ở trong căn nhà sàn đơn sơ, sập sệ của mình, tiếp tục sống những ngày tháng cơ hàn, khốn khó. Cách đây không lâu, con gái bà đã đi bước nữa với người chồng mới, bỏ lại đứa con 3 – 4 tuổi cho bà chăm nom, nuôi dưỡng, còn người bố đẻ thì không hề ngó ngàng gì đến con. Dù tuổi đã cao, lại mắc bệnh về thần kinh, hàng ngày bà vẫn phải đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền nuôi cháu. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, đứa cháu nhỏ bữa đói bữa no, tuổi thơ không có bố có mẹ bên cạnh, bơ vơ, ngơ ngác trông thật tội nghiệp.Hai bà cháu sống trong một căn nhà sàn xin được của người em trai, mái nhà lụp xụp, xơ xác, được vá víu tạm bợ bằng những lá cọ và tấm bạt cũ kĩ. Ngày nắng hai bà cháu còn có chỗ chui ra chui vào, còn ngày mưa, nước dột xuống tận giường, hai bà cháu phải bồng bế nhau sang hàng xóm xin ở nhờ. Những ngày mùa đông lạnh giá thế này, từng cơn gió rừng thốc vào trong nhà, tấm chăn mỏng không đủ để sưởi ấm cơ thể khỏi rét buốt, bà chỉ biết ôm cháu để cháu có thể ngủ ngon lành. Tấm lòng người bà thật đáng quý biết bao.Thấy chúng tôi đến thăm hỏi, động viên và trao quà khích lệ, bà cảm động đến rơi nước mắt. Bà chỉ ước mong sao có một căn nhà nhỏ, chỉ cần có thể vừa chiếc giường để hai bà cháu ngủ thôi cũng hạnh phúc biết nhường nào rồi. Bà cũng mong đứa cháu nhỏ lớn lên có đủ cơm ăn áo mặc, được quan tâm, chăm sóc bởi tuổi bà đã cao, lại bệnh tật, không biết còn sống với cháu được đến bao giờ. Hoàn cảnh của hai bà cháu rất đáng thương, nghe thôi cũng không cầm được nước mắt. Rất mong các mạnh thường quân thương đến gia cảnh của bà Phạm Thị Dậu, giúp đỡ để hai bà cháu có một căn nhà nhỏ để ở như ước nguyện.  

https://www.facebook.com/paul.nguyen.75054/videos/pcb.10221845632152421/10221845591751411/?type=1&theater
https://www.facebook.com/paul.nguyen.75054/videos/pcb.10221845632152421/10221845605311750/?type=1&theater
https://www.facebook.com/1306334972/videos/pcb.10221845632152421/10221845627112295/?__cft__[0]=AZWluHC5VrX379KI_77J9YsFFETteqZAxNiafpheeLz7Mlt-0tslK0Ua32N8-Ctl61iw7UWJ3zE__l0B5Mp4vncUn2t9886ZpjDFiInS6-ZicVBmJ9qzHgn5mQpl3TK9Q9o&__tn__=*bH-R

BTT – Lm. Phaolô Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Caritas Thanh Hóa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *