Cảm nhận sau khi tham dự khóa tập huấn về HIV-AIDS của Caritas GP Thanh Hóa

Sáng Chủ nhật, 17.01.2021, Ban hỗ trợ người có H (HIV) thuộc ban bác ái Caritas giáo phận Thanh Hóa đã tổ chức chương trình tập huấn lần thứ III cho những người nhiễm H và các cộng tác viên trong Caritas giáo phận tại giáo xứ Chính Tòa. Với tư cách là một cộng tác viên tham dự trong chương trình tập huấn lần này, thông qua những trải nghiệm hữu ích của chương trình, tôi cảm nhận được nhiều điều tuyệt vời từ những con người mà tôi đã được gặp gỡ hôm nay.
Nhắc đến HIV/AIDS, người ta thường nghĩ đó là một căn bệnh không có thuốc chữa, chỉ có con đường chết mà thôi, chính vì thế, mọi người ai cũng sợ mình bị lây nhiễm HIV/AIDS và rồi sẽ chết, nên cách tốt nhất là cứ tránh xa họ. Không những thế người ta còn nghĩ: những người nhiễm HIV/AIDS là những người ăn chơi sa đọa, đàng điếm, tội lỗi…nên việc mọi người xa lánh, phải chịu những đau khổ, thậm chí là cái chết sẽ là những hậu quả mà họ phải chịu.Thế nhưng, người nhiễm H không phải đều do ăn chơi xa đọa, nghiện ngập, hút chích họ có thể đã bị lây nhiễm qua đường máu, bơm chung kim tiêm chưa sát trùng, từ mẹ sang con hay một sự va chạm chảy máu khi tiếp xúc với người có H trước đó.

Trải qua một ngày được thấy tận mắt nghe tận tai những chia sẻ từ những người “trong cuộc” và tìm hiểu về căn bệnh này, tôi hiểu rõ hơn về điều mà ai nghe cũng rùng mình ghê sợ ấy.

Trước hết, người nhiễm H là những người rất cần sự quan tâm, động viên và chia sẻ từ phía cộng đồng. Hơn ai hết, họ phải là những người cần phải được hỗ trợ nhiều nhất. Từ kinh nghiệm thực của cô chú nhiễm H, tôi cảm nhận rằng họ đã bị kỳ thị rất nhiều: bị coi là vô dụng, đáng đời, đáng xa lánh…  Thậm chí, có người đã từng nghĩ đến cái chết để mong trút bỏ hết những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần mà họ đã gánh chịu. Tạ ơn Chúa, vì mọi tư tưởng tiêu cực ấy đã qua đi bởi chính sự cảm thông và tinh thần lạc quan trong cuộc sống.
Nhờ những chia sẻ động viên từ những người cộng tác viên tuyên truyền, những người nhiễm H đã vơi bớt đi phần nào những áp lực về tinh thần đè nặng trên họ bấy lâu nay, họ cảm nhận được sự đồng cảm, quan tâm từ những người khác dành cho mình, có cơ hội sống hòa nhập với cộng đồng.

Qua những chia sẻ của họ về căn bệnh mãn tính này, tôi rất ngạc nhiên bởi họ hiểu rất rõ về căn bệnh của mình, khi được tìm hiểu và hướng dẫn về các phác đồ điều trị bệnh, họ sẵn sàng đón nhận những chia sẻ và không ngần ngại trao đổi trực tiếp trước bác sỹ cũng như tất cả mọi người xung quanh về tình trạng sức khỏe của mình, tự tin thể hiện những hiểu biết của mình trước đám đông mà không rụt rè, tự ti về bản thân như trước nữa.

Lắng nghe những câu chuyện, những nỗi lòng của họ đã phải trải qua, cùng những lời chia sẻ hết sức lạc quan từ những con người ấy, tôi mới nhận thấy rằng: những bệnh nhân nhiễm H, họ không sợ chết, chỉ sợ bị người ta kỳ thị! Họ rất cần sự quan tâm và giúp đỡ từ phía cộng đồng để có suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.

Nhìn vào những con người nhiễm H mà tôi đã được gặp gỡ hôm nay, tôi cảm nhận được sự kiên cường, ý chí và nghị lực sống hết sức mãnh liệt của họ. Tôi học được nơi họ tinh thần lạc quan, tinh thần thắng vượt lên mọi sự kỳ thị, mọi khó khăn, suy nghĩ mọi chuyện theo chiều hướng tích cực, luôn biết phấn đấu sống khỏe, sống có ích cho chính bản thân mình và từ đó sống trở thành người có ích cho xã hội.

Ước mong sao, còn rất nhiều người khác nữa trong xã hội đang mắc phải căn bệnh này sẽ sớm hòa nhập cộng đồng, được tiếp cận với các chương trình tập huấn tuyên truyền về bệnh HIV để họ cũng có được tinh thần lạc quan, có nghị lực sống kiên cường như những người nhiễm H mà tôi được gặp gỡ hôm nay.

Lạy Chúa, con cầu xin cho tất cả mọi người cũng biết cộng tác vào việc chăm sóc, giúp đỡ, tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm H. Con cầu xin cho mọi người có cái nhìn thiện cảm và tích cực hơn đối với những người không may mắc phải căn bệnh này, để giúp họ vững niềm tin, vượt qua mọi mặc cảm để sống vui, khỏe, có ích cho mọi người. Amen!
BTT CARITAS THANH HÓA – Mary Hạnh Phạm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *