Cảm nhận về khóa tập huấn kỹ năng giúp đỡ bệnh nhân HIV

Hoàng hôn buông xuống phía cuối chân trời chỉ còn lại một chút ánh nắng yếu ớt le lói cho ngày sắp tàn. Ngày qua ngày cứ thế trôi đi nhưng mỗi ngày có vẻ đẹp riêng của nó. Có khung trời nào mà xanh mãi, có ngọn gió nào thổi mãi được chăng? Chắc chắn là không. Cuộc đời của mỗi con người cũng vậy, nó không hằng định bằng một con số. Nhưng nó sẽ được thay đổi bởi chính bạn, tôi và mỗi người đang sống trong xã hội này.

Tuổi trẻ là tuổi của đam mê và hi vọng, tuổi của những hoài bão tương lai. Còn riêng đối với tôi, tuổi trẻ còn là tuổi của sự “lên đường”.

Ngày 10-11/5/2018 tại giáo xứ Trinh Hà, Giáo phận Thanh Hóa đã diễn ra buổi tập huấn ” kỹ năng giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng”. Trước khi đến với buổi tập huấn này tôi có một chút bồi hồi, một chút suy tư và do dự nhưng nó chỉ là cảm giác thoáng qua. Tôi đi cùng với một số sinh viên theo học ngành y, dược. Khi đến nơi tôi ngỡ ngàng bước chân vào lớp. Chà! Lớp học của chúng tôi khá đặc biệt. Sinh viên là những người trẻ tuổi nhất; có những người đáng tuổi ông bà, cha mẹ, cô chú của chúng tôi. Hơn nữa, còn có sự hiện diện của Cha giám đốc Caritas Thanh hóa Phaolô Nguyễn Văn Thường, Cha đặc trách Giuse Hoàng Kim Khấn, quý sơ: Teresa Nguyễn Thị Châu và Anna Phạm Thị Sang cùng với ban giảng huấn là ba tình nguyện viên trong đến từ Caritas Hải Phòng.

Đang mơ hồ cho những điều chưa thể lí giải, thì dòng suy nghĩ đó bị cắt ngang bởi những con người đầy nhiệt huyết. Buổi học được sắp xếp cách chu đáo để thành viên không cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán. Sau những giờ giảng, thuyết trình là các trò chơi, các tiết mục văn nghệ đan xen nhau. Tất cả các thành viên trong lớp giờ không còn phân biệt tuổi tác nữa. Bởi trong họ tràn đầy sức sống, lòng nhiệt huyết, sự hăng say. Và tôi đã phải thốt lên rằng: “chính các bác là những người trẻ nhất ở đây”. Họ tham gia bằng cả con tim, thấy họ tôi như được cháy lên sức mạnh của tuổi trẻ. Tôi nhận thấy tinh thần của họ chưa bao giờ già đi, dáng vẻ hồn nhiên và vui tươi hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Tôi không thể quên được những khi chúng tôi cùng nhau vui chơi, cùng nhau nhảy múa, chia sẻ cuộc sống cho nhau và cả những bài học đáng giá. Để rồi tôi biết tuổi tác không quan trọng, quan trọng là tâm hồn.

Ánh mặt trời sau cơn giông tố đẹp đến lạ, nó mang theo những tia nắng ấm gieo xuống mặt đất ánh sáng hi vọng của sự sống. Và ba tình nguyện viên của Caritas Hải Phòng đã gieo tia nắng ấm đó vào trái tim tôi. Không quản ngại đường xá xa xôi, họ đã đến với chúng tôi bằng cả tấm lòng. Họ là những người truyền cảm hứng và lay động trái tim tôi. Họ không những cung cấp cho chúng tôi những kiến thức căn bản về HIV/AIDS mà còn giúp chúng tôi có kiến thức rộng hơn thực tế ngoài cộng đồng. Và có lẽ điều khiến cảm xúc của tôi phải vỡ òa đó là những câu chuyện cuộc đời của họ. Họ chính là những người trong cuộc, họ đã sống chung với HIV cả hàng chục năm nay. Với tuổi đời còn trẻ họ đã phải trải qua biết bao sóng gió, đau thương và đôi khi cả lòng hận thù. Với xã hội, họ là những con người đáng lên án, họ là thành phần nguy hiểm cần phải tránh xa. Và dường như họ không có quyền được sống, được tồn tại trong xã hội này. Vì vậy mà cuộc đời của họ như những cây cỏ dại bên đường bị người đời dẫm đạp. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau bị người đời kỳ thị và ruồng bỏ, nó dày vò thân xác con người ta một cách khủng khiếp. Mỗi lời nói cay nghiệt, mỗi hành động miệt thị là một liều thuốc độc tinh thần đối với họ. Họ như hoàn toàn sụp đổ trước số phận và có khi cái chết chính là cách thức để họ được giải thoát.

Thế nhưng đâu đó trong cuộc sống vẫn còn chút hi vọng, vẫn còn một tia nắng len lỏi trong đám mây u ám kia. Họ đã tự mình đứng dậy, cố gắng nắm lấy một chút hi vọng, chỉ một chút thôi nhưng cũng đủ để họ có niềm tin vào cuộc sống. Không gian như tĩnh lặng, mọi thứ như ngừng chuyển động. Và chúng tôi như đang xem trực tiếp bộ phim cuộc đời của họ chứ không phải qua lời kể nữa. Từng câu nói của họ đã làm trái tim tôi co thắt, khóe mắt tôi ứa lệ và cuống họng tôi nghẹn ngào không thể thốt nên lời. Giọt nước mắt chảy ngược là giọt nước mắt xót xa nhất . Như trong vô thức từng nỗi đau mà họ phải chịu đang len lỏi vào tâm trí của tôi. Để đến bây giờ, họ đứng trước mặt chúng tôi nói về cuộc đời của họ thì họ đã phải mạnh mẽ đến nhường nào. Họ trở thành những tình nguyện viên với cả con tim yêu thương. Họ ra đi đem tình yêu ấy đến với những người cùng cảnh ngộ. Họ đem ngọn lửa tin yêu thắp sáng những tâm hồn lạnh giá, và nhen nhón sức sống mãnh liệt . Vô tình nụ cười của họ làm tôi rực cháy khao khát yêu thương. Đó là nụ cười của tình yêu, hạnh phúc ẩn sâu bên trong là vết cắt tinh thần đau xót trong quá khứ. Không có ngòi bút nào có thể diễn tả được sự đau đớn mà họ phải trải qua và niềm vui của họ ngay lúc này.

Mỗi người có cuộc sống riêng, có số phận riêng nhưng không ai có thể tồn tại mà không có tình yêu. Hầu hết đều cho rằng người nhiễm HIV là người có cuộc sống không lành mạnh, sa vào con đường tệ nạ xa hội nên phải gánh chịu hậu quả. Chính những lối suy nghĩ đó đã khiến mọi người xa lánh, kì thị, thậm chí là ruồng bỏ có khi cả máu mủ của mình. Hành động đó đã tạo nên rào cản, khiến cho người nhiễm HIV tạo “mồ chôn” cho chính bản thân họ. Nhưng mấy ai hiểu được, trong số đó có những người là nạn nhân của những hành động xa xỉ. Đừng vô tâm trước những mảnh đời lầm lỡ. Vì ở một khía cạnh nào đó, họ còn đáng thương hơn là đáng trách. Để có thể tiếp tục hiện hữu trên cõi đời này, họ đã phải gồng mình đối mặt với mọi thử thách, và hơn nữa là sức ép tinh thần của bản thân.  Điều đó không phải ai cũng dũng cảm để vượt qua. Làm ơn đừng gieo cho họ những đau đớn, đừng dồn họ đến bước đường cùng. Vì một khi họ đã cảm thấy sống là một cực hình thì họ sẽ phản kháng bằng mọi cách, và nguy hiểm hơn thế là ” trả thù đời “. Trên thực tế những người bị nhiễm H được sống trong yêu thương , quan tâm thì sẽ kéo dài được tuổi thọ, thậm chí là có ích cho xã hội. Đừng chia hai thế giới giữa ta và họ. Bởi lẽ chúng ta đang sống trong cùng một thế giới. Trong thế giới đó ” tình yêu cho đi thì cuộc đờ ở lại”. Vô tâm đồng nghĩa với việc gián tiếp đẩy họ tìm đến cái chết. Hãy sát cánh bên nhau với bàn tay ấm, hãy truyền cho nhau ngọn lửa của yêu thương, và cùng nắm tay nhau vượt qua mọi thử thách để loài người không sống trong sự đe dọa của HIV/AIDS. Hãy giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, để họ trở thành người có ích cho xã hội. Chỉ có tình yêu mới đủ sức xoa dịu nỗi đau và thắp lên niềm hi vọng.

Dưới ánh sáng của niềm tin, tình yêu và hi vọng, mọi rào cản sẽ được xóa bỏ. Chỉ cần tình yêu đủ rộng, đủ lớn sẽ đưa những ánh nắng kia quay về với bầu trời bình yên. Thứ đáng sợ nhất không phải là kẻ sát nhân mà chính là sự vô cảm với đồng loại.

Kết thúc khoa tập huấn tôi không những được trang bị thêm kiến thức mà còn được trang bị thêm tình yêu, sức sống và cả trách nhiệm của tuổi trẻ. Cảm ơn những con người đã mang “giọt nắng” cuối ngày cho tôi để tôi thấy mình cần phải lên đường và hành động. Hi vọng sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái, mở rộng bàn tay để đón những người nhiễm HIV giúp họ sống hòa nhập cộng đồng. “Tình thương của gia đình và sự quan tâm của xã hội là liều thuốc hồi sinh cuộc sống mới cho người nhiễm bất hạnh xấu số đang phải chịu đựng căn bệnh quái ác này.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *