“Dù cho nỗi khổ gấp trăm ngàn Mẹ vẫn cam lòng chả tiếng than Những buổi đầm mưa từ sáng rạng Nhiều hôm gội bão đến canh tàn Lo hằn vóc Hạc nhàu tâm não Tủi khắc thân Cò nẫu ruột gan Mẫu tử tình cao bằng vạn núi Vì con chẳng ngại gió sương càn”.
(Bài thơ: Bao La Tình Mẹ – tác giả Nguyễn Quang Long)
Mỗi lần đọc bài thơ này tôi lại nhớ đến hoàn cảnh của bà Hà Thị Luân (thôn Lê Cắm, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa). Chồng bà mắc bệnh thần kinh đã bỏ nhà đi cách đây 5 năm, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Một mình bà “thân cò” lặn lội đi làm thuê làm mướn khắp nơi để nuôi con nuôi cháu. Người con trai của bà mắc bệnh gan, toàn thân mẩn đỏ ngứa ngáy nhưng không có tiền chữa trị, đành nằm một chỗ chờ chết. Khốn khổ thay, người con dâu cũng tật nguyền cả chân và tay, không làm được việc nặng, chỉ biết quanh quẩn ở nhà cơm nước, quét dọn, chăm lo cho chồng và hai con nhỏ. Cứ mỗi khi trái gió trở trời, chị lại lên cơn động kinh, chân tay tê cứng, không cử động được. Hai con thì còn quá nhỏ để có thể hiểu và đỡ đần được cho bố mẹ khi ốm đau, bệnh hoạn. Tất cả trông chờ vào đồng tiền công ít ỏi của bà Luân, làm được bao nhiêu bà lại lo lắng gửi về cho con cho cháu, không quản nắng mưa, vất vả. Tấm lòng người mẹ thương con khó có gì có thể đong đếm được.Đến thăm gia đình bà Luân, chúng tôi được biết bà đang đi làm cỏ mía, cỏ lúa ở tận Bá Thước chưa về. Ở nhà chỉ có vợ chồng người con trai cùng hai đứa con nhỏ. Nơi họ sống là một túp lều tranh vách đất nhỏ bé, tồi tàn, rách rưới giống như số phận của họ vậy. Trời nắng cũng như trời mưa, ngôi nhà không đủ sức che chắn, bảo vệ cho những mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh này, họ vẫn phải lao đao mỗi khi thiên tai ập đến bất ngờ. Quá ái ngại cho hoàn cảnh của gia đình bà, tôi tự hỏi: liệu có gia đình nào nghèo hơn gia đình này nữa không? Chị Linh, con dâu bà Luân, nức nở nghẹn ngào trong nước mắt: “Con không biết làm thế nào cho bớt nghèo, bớt khổ. Con xin cha và các sơ giúp cho gia đình con một mái nhà để sum họp đầm ấm, để con cái có chỗ che mưa che nắng, có cái ăn cái mặc và được đến trường”. Thương lắm mà không có điều kiện để giúp đỡ gia đình bà Luân cùng các con, cháu có một ngôi nhà để ở như ước nguyện của chị Linh. Vì vậy, Caritas Thanh Hóa mở lời kêu gọi quý ân nhân thương đến hoàn cảnh éo le của gia đình này. Một người mẹ già đang phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” kiếm từng đồng nuôi con nuôi cháu; một người chồng trụ cột gia đình nhưng phải nằm một chỗ vì bệnh tật; một người vợ tật nguyền một mình chăm chồng chăm con; cùng hai đứa trẻ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Họ đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ của các mạnh thường quân để có một ngôi nhà kiên cố che mưa che nắng, vơi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Caritas Thanh Hóa
Tin cùng chuyên mục:
Một Chiếc Xe Lăn, Ngàn Lời Yêu Thương
Tình Thương Lan Toả: Caritas Thanh Hóa Và Suất Cơm Ấm Nồng
Ngôi Nhà Tình Thương Giữa Dòng Đời Nổi Trôi
Ngọn Lửa Yêu Thương Giữa Bệnh Viện