CẢM NHẬN VỀ CHƯƠNG TRÌNH “HẠT GẠO TÌNH THƯƠNG – ÁNH SÁNG XANH”

Chương trình “Hạt Gạo Tình Thương” hay còn gọi là “Ánh Sáng Xanh”  là một sáng kiến xuất phát từ tấm lòng quảng đại của gia đình ông bà Vinh Tuyết đối với những người nghèo khổ trong khắp 26 giáo phận. Mỗi giáo phận gồm 600 gia đình nghèo khó được hưởng trợ cấp từ chương trình này. Thông qua Caritas của các giáo phận, trong nhiều năm qua gia đình ông bà Vinh Tuyết đã giúp đỡ cho mỗi gia đình 10 kg gạo mỗi tháng. Chương trình này đã đã đồng hành cùng UB Bác Ái Caritas Giáo Phận Thanh Hóa trong suốt 3 năm qua với mong muốn được góp một phần nhỏ bé giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người già, người neo đơn, người khuyết tật để họ có thêm nghị lực, hy vọng, mà vượt qua những khó khăn cơ cực về vật chất cũng như tinh thần.

 

Ai cũng nghĩ những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, với họ  chỉ cần cơm no áo ấm lúc này là được. Những điều đó cần nhưng chưa đủ. Cái mà họ cần hơn nữa là một lời khuyên, một lời động viên, một lời chúc lành, một lời an ủi để họ có thể tiếp thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống để vượt qua mọi khó khăn.

Hiểu được điều đó nên gia đình ông bà Vinh Tuyết qua chương trình “ Hạt Gạo Tình Thương – Ánh Sáng Xanh” không chỉ tài trợ về vật chất mà thôi, nhưng với hành động thiết thực và ý nghĩa hơn, đã trực tiếp lặn lội tới thăm 600 hộ gia đình nghèo, từ đồng bằng ven biển cho đến miền núi xa xôi hẻo lánh, để thăm hỏi, động viên và khích lệ từng người, từng gia đình.

Trong khoảng thời gian gần một tháng làm việc tại Thanh Hóa, cha giám đốc Caritas và các sơ nhân viên đã luôn đồng hành cùng các thành viên của Chương Trình “Hạt Gạo Tình Thương – Ánh Sáng Xanh” đến gặp gỡ và thăm hỏi hơn 600 gia đình nghèo tại khắp các giáo xứ trong giáo phận.

Đi để cảm nhận và yêu thương

 Có lẽ lâu nay khi đi làm bác ái, từ thiện, chúng tôi chỉ gặp mọi người ở hội trường, nhà xứ hay tại những nơi công cộng nên chẳng thể hiểu hết được trọn vẹn của 2 từ “Nghèo Khổ” là như thế nào? Khi trực tiếp đến thăm những ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo, dột nát đến nỗi chỉ cần một cơn bão đi qua là có thể sụp đổ tan tành, chúng tôi mới cảm nhận được một cách sâu sắc về kiếp nghèo. Trong những ngôi nhà sập sệ đó, biết bao nhiêu thế hệ trong gia đình đã từng sống mà chưa một lần có điều kiện để tu sửa, những vết nứt chằng chịt, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Biết là nguy hiểm đấy, nhưng họ cũng đành bất lực mà phó thác vào sự quan phòng của Chúa.

Đã nghèo khổ rồi mà cô đơn vẫn găm nhấm từng ngày, họ là những người già cả neo đơn không ai chăm sóc. Có những người vì chữ hiếu mà ở vậy không lập gia đình để phụng dưỡng cha mẹ, nhưng thời gian đi qua khi cha mẹ khuất núi, nhìn lại thì mình cũng đã già, trơ trọi một thân một mình và chẳng còn ai để nương tựa.

Chúng ta thường hay nói: “Trẻ cậy cha, già cậy con,” nhưng có những người có con có cháu mà cũng như không. Sinh ra nuôi nấng thành người, khi trưởng thành rồi thì chẳng đoái hoài gì tới cha mẹ nữa. Cho đến khi cha mẹ mắt đã mờ, tay chân đã chậm, lưng đã còng mà vẫn phải cố gắng mưu sinh qua ngày.Tài sản lớn nhất họ còn được chính là cỗ quan tài luôn để sẵn trong nhà, để chứa đựng những băn khoăn lo lắng về ngày cuối đời, khi mất đi rồi ai sẽ là người lo hậu sự cho mình.

Trong cuộc sống hàng ngày có cây Thập Giá vô hình mà nhiều người đang phải gánh vác: đó chính là bệnh tật. Ai trong chúng ta khi đối diện với bệnh tật ốm đau, có lẽ điều mà chúng ta mong muốn cầu xin chính là có đủ tiền bạc để chạy chữa cho được khỏi bệnh, chẳng ai muốn rời bỏ cuộc sống này. Nhưng có những người vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, không có tiền bạc để chạy chữa, để mặc cho bệnh tật hành hạ thể xác từng ngày, thì điều mà họ cầu xin chỉ là: xin Chúa cất con về  với Chúa càng sớm càng tốt.

Dù mạnh mẽ đến đâu, kiên cường đến mấy, thì cũng không khỏi mủi lòng khi phải chứng kiến những hoàn cảnh như  vậy. Để rồi chúng tôi nhớ lại những chia sẻ của cha Phaolô Nguyễn Văn Thường, giám đốc Caritas Thanh Hóa: “Chúa vì yêu thương nên đã chịu Chết để chuộc tội cho chúng ta, nhưng để làm được điều đó Chúa cũng cần sự cộng tác của con người. Ngày xưa trên đường lên đồi Gongotha khi mà sức nặng của thập giá đè lên đôi vai, Chúa cũng đã phải cần đến sự giúp đỡ cộng tác của ông Simon, để có thể san sẻ gánh nặng của cây Thập Giá mà hoàn thành công trình cứu độ. Chính những người bệnh tật này cũng đang vác thập giá thay cho mỗi người chúng ta. Và rồi mỗi người chúng ta cũng hãy là những Simon cùng chia sẻ gánh nặng thập giá với họ, bằng cách này hay cách khác, bằng vật chất cũng như tinh thần, để họ có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống mà chiến thắng mọi bệnh tật.

 

Thêm một ngày đi là thêm một vết cắt vào tim

 

Nhưng càng đi chúng tôi lại càng phải xót xa hơn, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, cứ nghĩ cái nghèo đói, bệnh tật, neo đơn đã khổ lắm rồi, nhưng đâu phải vậy. Có những người họ đâu chỉ vác cây thập giá vô hình: nghèo đói, bệnh tật, cô đơn cho riêng mình, mà họ còn phải gồng gánh thêm những cây thập giá cho những người thân trong gia đình mình nữa.

Một bà kia sinh được 6 người con thì mất 2, tưởng chừng sóng gió nỗi đau đã đi qua. Nhưng trong 4 người con còn lại cứ đến tuổi trưởng thành là bị tâm thần. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, người cha phải lặn lội đi làm ăn xa, chẳng may bị chết vì tai nạn. Một người con lớn điên điên dại dại đi lang thang chẳng may bị xe cán chết. Kể từ đó một mình bà phải gồng gánh nuôi con. Sau bao nhiêu năm trời đi qua, cái nghèo đói vẫn cứ bám theo, bệnh tật của con cái thì ngày càng nặng, ngồi trước căn nhà cũ dột nát ấy nhìn những đứa con của mình bệnh tật như vậy, bà cảm thấy bất lực, không lối thoát. Cuộc sống của người mẹ già 83 tuổi mắt mờ lưng còng ấy và những người con tâm thần chỉ còn biết trông chờ vào những đồng tiền  trợ cấp ít ỏi của xã hội.

Có lẽ cái khổ đau ấy bà đã phải chịu đựng và dồn nén trong lòng bao lâu nay mà chẳng biết tâm sự cùng ai. Để rồi khi vừa gặp chúng tôi, gặp Cha Trưởng Đoàn bà đã thốt lên rằng: “Cha ơi! có lẽ con là người khổ nhất trên trần gian, không biết khi con chết đi rồi ai sẽ chăm sóc các con của con, cuộc sống của chúng sẽ như thế nào đây?”

Chúng tôi chỉ biết lặng im sau lời chúc lành của Cha Trưởng Đoàn. Có lẽ câu hỏi đó không chỉ dành riêng cho chúng tôi, mà dành cho tất cả mọi người chúng ta? Những người nghèo đói, bệnh tật, neo đơn ấy chính là hiện thân của Chúa Kitô. Trong cuộc sống hằng ngày, ước gì mỗi người trong chúng ta luôn nhận ra khuôn mặt của Ngài nơi những người đau khổ bất hạnh, để rồi sau này khi đứng trước tòa Chúa chúng ta sẽ được nghe lời Chúa phán: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” (Mt 25: 34 – 36).

Chuyến công tác của các thành viên “Hạt Gạo Tình Thương – Ánh Sáng Xanh” và UB Bác Ái Caritas của Giáo phận cũng đã khép lại, nhưng những nỗi thao thức và trăn trở đối với những người nghèo khổ bất hạnh lại mở ra. Chúng ta phải làm gì để giúp họ vơi đi gánh nặng cuộc đời? Làm cách nào để xã hội này không còn những mảnh đời bất hạnh như thế nữa? Đó là những vấn nạn mà mỗi người chúng ta cần phải tìn ra câu trả lời.

Trong một bài viết ngắn ngủi này, chắc chắn chẳng có lời lẽ nào có thể diễn tả được hết những nỗi đau đớn, cơ cực, vất vả, khó khăn trong cuộc sống của những người nghèo khổ chúng tôi đã viếng thăm. Đồng thời, những dòng chữ này cũng không kể xiết được sự hy sinh, tình thương vô bờ bến và lòng quảng đại của gia đình ông bà Vinh Tuyết thông qua chương trình “Hạt Gạo Tình Thương – Ánh Sáng Xanh” đã dành cho 600 gia đình nghèo khổ của giáo phận Thanh Hóa nói riêng và hàng ngàn gia đình bất hạnh khác rải rác khắp nơi trên dải đất hình chữ S nói chung. Xin Thiên Chúa, Đấng đã phán: “Các con hãy cho thì sẽ được cho lại,” lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo của gia đình ông bà Vinh Tuyết và tất cả những ai đang âm thầm hy sinh, phục vụ và nâng đỡ những người nghèo khổ bất hạnh trong cuộc đời.

 

Ban Truyền Thông Caritas Thanh Hóa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *