HÀNH TRÌNH BÁC ÁI MÙA CHAY TRÊN VÙNG MƯỜNG LÁT – THANH HÓA

Với tinh thần hăng say và ý thức về trách nhiệm của mình đã được trao phó, Cha giám đốc Caritas Thanh Hóa Phaolô Nguyễn Văn Thường cùng với quý Sơ và các thành viên trong Ủy Ban Bác Ái Caritas của giáo phận đã không ngừng cố gắng để kêu gọi, động viên và nhất là cầu nguyện để có được sự tài trợ cho những chuyến đi bác ái trên các vùng sâu vùng xa thuộc các huyện miền núi trong tỉnh Thanh Hóa. Kể từ tháng giêng năm 2019 cho đến nay, chúng tôi đã có hàng chục chuyến viếng thăm và trao quà cho bà con nghèo thuộc các dân tộc thiểu số tại các huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lạc, Quan Hóa, Bá Thước và thậm trí còn vượt biên qua bên tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt  hơn nữa, Caritas Thanh Hóa đã khai mở một chuyến viếng thăm và tặng quà đầu tiên năm 2019 cho bà con người H’ Mong tại xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Hành trình chuyến viếng thăm Mường Lát ngày 11/3/2019 vừa qua quả là gian nan, không chỉ về thủ tục hành chính mà còn về khoảng cách địa lí. Với quảng đường gần 300 km từ Tòa Giám Mục đến trung tâm xã Trung Lý, xe chúng tôi đã phải khởi hành từ lúc 3 giờ sáng vượt bao nhiêu chặng đường rừng núi quanh co hiểm trở, bò mãi mới lên được đất Mường Lát tại điểm cao nhất được mệnh danh là “Cổng Trời” trước khi tiến đến nơi cần phải đến vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày. Khi xe chúng tôi vừa dừng bánh, thì một đám đông đã sẵn sàng chờ đón chúng tôi tại trung tâm xã Trung Lý. Họ rất sung sướng và hồi hộp khi được nghe thông báo về chuyến viếng thăm của Caritas tại địa bàn này. Nỗi khao khát gặp gỡ đã khiến người dân nơi đây không quản ngại vượt đường trường từ hai đến ba tiếng đồng hồ để đến đây trong ngày hôm nay. Nhìn những vẻ mặt tươi rộ lên sau những khóe môi chúm chím nụ cười, làm chúng tôi cảm thấy thật an lòng. Nhưng rồi niềm vui ấy chợt khựng lại sau một vài tâm tình chia sẻ. Thực ra, đằng sau những nụ cười rạng rỡ ấy là cả một câu truyện buồn về sự lam lũ của những kiếp người ẩn mình sau rặng núi nơi đây. Chứng kiến những cảnh bé gái địu con, chúng tôi cứ tưởng là chị địu em đi chơi, nhưng khi hỏi ra thì những bé đó đã làm mẹ của ba hoặc bốn đứa con rồi. Khi được hỏi sao lấy chồng sớm thế, các câu trả lời của các em thật đơn giản, “Con gái mà, lớn đủ thì bố mẹ gả chồng thôi” Thực ra, các em chưa hề lớn, tuổi thanh xuân chưa một lần được tận hưởng, vậy mà đã phải lo lắng chuyện gia đình chồng con. Trông các em thật tội nghiệp và rất đáng thương.  

Cùng đồng hành với Caritas trong chuyến đi này có Cha chính xứ Ngọc Đường Phaolô Đinh Tiến Thảo và anh Giuse Vũ Ngọc Lâm, Trưởng Ban Bác Ái Caritas giáo xứ Chính Tòa Thanh Hóa, cùng với cán bộ ủy ban nhân dân xã Trung Lý đã giúp chúng tôi chọn ra những hộ dân nghèo nhất của xã để đến chia sẻ và nhận quà hôm nay.

Sau những chia sẻ và chương trình tặng quà cho bà con Mường Lát tại UB xã, chúng tôi còn có dịp ghé thăm các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt trong xã. Lại một lần nữa, chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự khó khăn cùng cực của những con người đang phải sống trong những túp lều tranh vách nứa. Đa số các gia đình này còn rất trẻ nhưng lại đông con, cuộc sống còn rất vất vả, thiếu thốn. Mỗi ngày thu nhập của một gia đình khoảng dưới 100 ngàn đồng, kiếm được từ những bó củi khô và những bó măng tre. Họ hái củi và măng về để đổi cho người dưới xuôi lấy gạo ăn. Tiền ăn còn chưa đủ lấy đâu ra tiền làm nhà, vì vậy mà bao nhiêu đời con nối cha, trẻ nối già vẫn mãi truyền nhau trong những chiếc lều tranh rách nát. Chúng tôi cảm thấy vô cùng xót xa khi bước chân vào những căn lều của họ. Nóng nực đến nghẹt thở: không quạt, không điện, không bàn ghế, cả gia tài của họ chỉ vỏn vẹn một chiếc giường cộng thêm một vài thứ xoong nồi, bát đũa và mấy bộ quần áo cũ rách vắt ngang trên hai phên tường tre, và một số bao bì nilon cũ kĩ gác trên gác bếp bị bao phủ bởi tro bụi đen ngầu.Trong số những gia đình đó có một cụ già tầm 80. Ông sống một mình kể từ khi vợ ông qua đời. Khi được hỏi về cuộc sống của mình, ông nói “Ngày nào kiếm được cái gì thì ăn cái đó, không thì lên rừng lấy măng về luộc chấm muối ăn cho qua ngày. Còn lúc bệnh tật thì có khi nằm cả hai ba ngày nhịn đói.” Đi thêm một đoạn đường nữa không cách xa nhà cụ lắm, chúng tôi lại bắt gặp một bà mẹ với 10 đứa con chết 2 còn 8. Đó là chị Vàng Thị Pai, chồng là Thào A Sính. Chị năm nay mới hơn 40, nhưng vì cuộc sống bon chen lam lũ với núi rừng để nuôi con chăm chồng nên chị trông rất già như một bà cụ U-70. Tuy đông con như vậy, nhưng gia đình cũng chỉ sinh hoạt trong một túp lều  tranh tre với diện tích khoảng 7m2 rất chật trội và bức bí. Cách khoảng vài ba mét từ nhà chị Pai, chúng tôi ghé thăm một gia đình khác có người vợ 27 tuổi. Khi chúng tôi đến, chị đang xếp những bó măng luồng vừa bẻ trên rừng về để chuẩn bị mang ra đường đứng bán. Những bó măng thật là tươi ngon, nhưng chị nói chắc cũng chỉ được khoảng hai chục ngàn một bó. Chúng tôi đã mua cho chị số măng đó. Nhìn trên khuôn mặt rám nắng cháy đỏ của chị, chúng tôi chợt thắc mắc chồng chị đâu mà chị phải một mình đeo măng leo đồi như vậy. Bỗng nhiên, nước mắt chị rơm rớm rồi trong tiếng nấc chị nghẹn ngào: “Chồng cháu bị họ lừa mua thuốc phiện và vừa bị bắt hôm qua rồi.” Tại sao bị lừa vậy? “Vì không có tiền mua gạo, đi làm cho họ bị họ lợi dụng rồi bị lừa đi tù, không biết bao giờ mới được tha.” Thật chua xót cho hoàn cảnh éo le của chị. Đã nghèo giờ lại còn thêm nỗi đau mất chồng, nỗi oan khiên ấy chắc chị không thể nào giải gỡ nổi.

Thực ra đây chỉ là một số rất nhỏ trong số những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại vùng Mường Lát mà Caritas có thể tiếp cận được trong chuyến thăm đầu tiên này. Còn rất nhiều những hoàn cảnh khác và có khi họ còn khó khăn cùng cực hơn nhiều so với các gia đình mà chúng tôi gặp gỡ hôm nay. Chứng kiến những cảnh đời ấy, chúng tôi càng nhận thấy rằng những chia sẻ của mình còn quá mỏng manh ít ỏi so với những gì mà người dân trên vùng này đang phải chịu đựng. Nhưng hi vọng rằng, Caritas Thanh Hóa lại tiếp tục có thêm nhiều cơ hội để đi đến, thăm viếng và chia sẻ cùng bà con nơi đây.

Caritas Thanh Hóa cũng xin tri ân các nhà hảo tâm đã đóng góp công của để Caritas Thanh Hóa có được những món quà sẻ chia cùng bà con nghèo tại huyện Mường Lát và những nơi khác. Mong rằng trong  tương lai, Caritas Thanh Hóa sẽ tiếp tục có được sự đồng hành và nâng đỡ của quý vị để cùng góp phần vào hành trình gieo vãi yêu thương đến với những người nghèo khổ tại các vùng dân tộc thiểu số. Sự cộng tác của quí vị sẽ là nguồn động lực để mỗi thành viên của Caritas Thanh Hóa luôn hăng say phục vụ người nghèo theo tinh thần Bác Ái Yêu Thương của Chúa Kitô.

Xem thêm hình ảnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *