BÀ ƠI, CHÁU LẠNH LẮM, CHÁU MUỐN CÓ NHÀ!

Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao ở xứ tôi, càng đi càng thấy nhiều người khổ. Nếu chưa gặp họ có lẽ tôi không hình dung được tận cùng của nỗi thống khổ là như thế nào. Bởi vậy, tôi chắc rằng bất cứ ai khi biết đến hoàn cảnh của bà Phạm Thị Chương (thôn Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), cũng đều có những cảm xúc giống như tôi.

Trò chuyện với bà Chương giữa đống đổ nát của một ngôi nhà chỉ còn trơ trọi vài cây cột bằng bê tông, tôi lặng người khi nghe bà chia sẻ về cuộc sống cơ cực của mình. Bà Chương năm nay 56 tuổi nhưng nhìn dáng vóc của bà ai cũng nghĩ bà phải ngoài 70 tuổi rồi. Sự thiếu thốn về vật chất cộng thêm nỗi đau về tinh thần đã khiến cho bà trông già đi rất nhiều so với tuổi. Chồng bà mất cách đây 5 năm bỏ lại bà cùng với đứa cháu nội Bùi Tuấn Anh, 6 tuổi trong một túp lều tranh tồi tàn, rách nát. Bố của cháu Tuấn Anh là con trai thứ 3 của bà cũng đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo, mẹ của cháu từ khi chồng chết cũng bỏ đi biệt tăm không ngó ngàng gì đến con. Một mình bà sớm hôm làm lụng để chăm sóc và nuôi nấng cháu. Thật không may, một hôm bà đi vắng, khi trở về thì đã thấy nhà cháy rụi, chỉ còn trơ lại vài cái cột bằng xi măng. Mọi đồ dùng của hai bà cháu cũng đều biến thành tro bụi, không còn bất cứ một cái gì. Quá bàng hoàng trước sự mất mát ấy, bà chỉ biết ôm đứa cháu mà xót xa cho thân phận của mình. Bà thì ăn đâu ngủ đâu cũng được, chỉ thương đứa trẻ mồ côi từ nay không còn có chỗ ăn chỗ ngủ, phải cùng bà vạ vật khắp nơi.

Mặc dù thương mẹ nhưng người con trai thứ 4 của bà cũng không thể giúp gì được khi bản thân anh cũng nghèo lại mắc bệnh tim, tháng đôi ba lần vào viện cấp cứu. Người con trai thương mẹ nhưng lại bất lực vì người vợ quá quắt luôn hắt hủi mẹ chồng. Không muốn phiền đến con, không chịu được nỗi tủi nhục, bà lại cắp cháu đi ở nhờ hết nhà này đến nhà khác, mỗi nhà đôi ba bữa. Đến khi không còn chỗ nào có thể nhờ được nữa, bà lại về ngôi nhà đổ nát của mình căng vội tấm bạt lên, kê vài thanh gỗ lại, hai bà cháu nằm co ro giữa cái nắng, cái gió và sương đêm bao phủ bốn bề. Có những đêm trời trở lạnh, không có áo ấm để mặc, không có chăn để đắp, bà phải ôm chặt đứa cháu đang run cầm cập vì rét, rồi hai bà cháu mỏi mệt chìm vào giấc ngủ. Ban ngày, hai bà cháu ra chợ, ai cho cái gì thì ăn cái đó, có hôm không có gì thì đành nhịn đói, uống nước cầm hơi. Nhìn thằng bé 6 tuổi mà bé con con như cái kẹo mút dở, thật đáng thương làm sao.

https://www.facebook.com/paul.nguyen.75054/videos/pcb.10219864555226736/10219864533586195/?type=3&theater

Cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, nhà không có mà ở, tài sản cháy rụi không còn một thứ gì, vậy mà vẫn bị người ta đến mắng nhiếc đòi nợ. Bà kể, do hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, bà có vay của người ta 15 triệu đến nay chưa trả được, tiền lãi tính theo ngày. Bà không có cách gì để trả được nợ, đành phải xin khất và chấp nhận nghe người ta sỉ vả, chửi bới thậm tệ. Hai bàn tay trắng cùng với đôi vai gầy rộc vì đói ăn khát uống, đôi mắt thâm quầng vì bao đêm mất ngủ, bà làm sao có thể xây lại ngôi nhà để cho cháu có nơi ăn chốn ở. Nghĩ đến đó thôi cũng đã thấy xót xa, thương tâm lắm rồi.

https://www.facebook.com/paul.nguyen.75054/videos/pcb.10219864555226736/10219864647629046/?type=3&theater

Bất lực và cùng đường, bà chỉ biết trông chờ vào lòng thương của các vị ân nhân, mong rằng có một phép mầu nào đó để hai bà cháu có thể xây lại ngôi nhà nhỏ trên đống đổ nát, hoang tàn này, để từ nay không còn phải rớt nước mắt khi nghe cháu nói: “bà ơi, cháu lạnh lắm, cháu muốn ở trong nhà…”

Nguồn Facebook : Justin Nguyen

BTT Caritas Thanh Hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *