Cùng chia sẻ với những ưu tư của vị Chủ Chăn Giáo Phận, Đức Cha Giu-se Nguyễn Đức Cường – hãy ra chỗ nước sâu – hướng về những vùng đất truyền giáo mới tại Thanh Hóa, Caritas Thanh Hóa rất vui mừng và tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng tôi có cơ hội để cùng chung chia một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc đem tình yêu và Tin Mừng của Chúa đến với người nghèo tại các vùng dân tộc thiểu số qua công việc bác ái, từ thiện
Với những mong ước đã được nhen nhóm từ lâu là được đặt chân lên vùng đất Châu Lào – huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa để đến với bà con dân tộc thiểu số người H’Mong. Đây là chuyến đi từ thiện lần thứ ba của Caritas Thanh Hóa tại huyện Mường Lát. Lần thứ nhất chúng tôi đến thăm bà con tại xã Trung Lý vào ngày 11/4/2019, lần thứ hai tại xã Mường Lý vào ngày 30/5/2019 và lần thứ ba tại xã Pù Nhi vào ngày 20/6/2019. Chuyến đi tiếp theo được dự kiến vào một ngày gần đây sẽ là xã Mường Chanh, một xã địa đầu của huyện Mường Lát, nơi giáp ranh với biên giới Việt – Lào.
Trong chuyến từ thiện lần thứ ba này, ngoài những gương mặt thân quen của Caritas Thanh Hóa còn có sự đồng hành của cha phó Giuse Hoàng Kim Khấn, ông chánh trương và một số gia đình mạnh thường quân tại giáo xứ Kẻ Bền. Các gia đình này luôn quan tâm dõi theo những dấu chân của Caritas Thanh Hóa trong các chuyến từ thiện bấy lâu nay lên các huyện vùng cao nên họ cũng muốn góp phần hy sinh nhỏ bé của mình để chia sẻ cho các gia đình nghèo khổ bất hạnh nơi rừng núi. Hơn thế nữa, họ muốn cho con cái mình cũng được trải nghiệm để các em tận mắt chứng kiến cảnh khổ của người khác ngõ hầu các em biết sống tốt, biết trân quý những gì mình đang có và nhất là biết chia sẻ và trao ban. Đó là lý do lần này các bậc phụ huynh cùng với các em đi lên Mường Lát cùng với Caritas Thanh Hóa
Ngắm nhìn gương mặt hồn nhiên và đơn sơ và đầy hy vọng của người Bản Mông, hiện diện trong buổi trao quà, tất cả phái đoàn đều rất vui và cảm thấy thật ý nghĩa khi được đến chia sẻ với họ. Tuy món quà không lớn, nhưng sau bao nhiêu cây số đường trường quẩn quanh trên những triền đồi khúc khỉu, chúng tôi đã được đáp trả bằng sự đón chào chan chưa niềm thân thương và đầy trân trọng của người Bản Mông khi đến nhận quà.Tuy hai bên hiểu nhau thật ít qua lời nói, vì đa số họ không biết nói tiếng Kinh, nhưng với những cử chỉ trìu mến đơn sơ mộc mạc của họ, cũng đủ để làm tan biến hết những nhọc nhằn khó chịu của đoàn người sau khi đã chiến đấu trên một chặng đường dài đầy khó khăn nguy hiểm với hơn 400 cây số.
Hành trình từ dưới xuôi lên đến Pù Nhi phải mất 6 tiếng đồng hồ vì đường đi ngoằn ngoèo và độ dốc cao nên khi lên đến nơi đa số người lớn và các em đều bị say xe và mệt mỏi. Tuy nhiên, khi bắt gặp những người dân tộc H’Mong hồn nhiên, đơn sơ và đói khổ thì bao nhiêu nhọc nhằn đều tan biến hết. Mọi người đều hối hả chuẩn bị những món quà để trao cho bà con đang đứng đợi từ lâu. Tuy giá trị vật chất của món quà không lớn nhưng giá trị tinh thần thì không nhỏ chút nào vì phái đoàn đã gửi gắm vào đó tấm lòng yêu thương và sự quan tâm chia sẻ nên nó trở nên rất có ý nghĩa đối với cả người cho lẫn người nhận. Mặc dù phần lớn những người H’Mong, nhất là phụ nữ, không biết tiếng Kinh nhưng qua ánh mắt, qua nụ cười hai bên vẫn hiểu nhau và cảm thấy gần gũi thân thiện.
Sau khi đi thăm các gia đình nghèo tại bản Pù Mùa. Xã Pù Nhi, phái đoàn cùng với cha Đinh Tiến Thảo đến thăm cộng đoàn giáo dân người H’Mong tại bản Lốc Há, xã Nhi Sơn và dùng cơm trưa với mọi người. Cùng chia sẻ bữa cơm thanh đạm với họ, chúng tôi lại càng cảm nghiệm sâu xa hơn về cái khổ cái nghèo của người dân nơi đây. Đơn sơ và mộc mạc thôi nhưng toát lên một sự chân thành rất đáng khâm phục và trân trọng: đó chính là sự đoàn kết và yêu thương của họ với nhau và tấm lòng hiếu khách thật tuyệt vời của người bản xứ nơi đây.
Sau khi dùng cơm trưa và trao quà cho bà con giáo dân Lốc Há xong, mặc dù đã đến giờ phải chia tay, nhưng dường như mọi người vẫn còn lưu luyến chưa muốn về. Các chị các mẹ thì cố gắng mặc thử những trong phục người H’Mong, các em thì thi nhau chụp hình, cánh đàn ông thì trao cho nhau những điếu thuốc… Tuy lần đầu tiên gặp gỡ mà ai nấy cảm thấy như anh chị em thân thiết trong cùng một nhà. Mà thật sự là như vậy, cho dẫu là người Kinh hay người H’Mong, tất cả đều là con cái của Chúa cho nên mọi người đều là anh chị em với nhau trong đại gia đình của Giáo Hội. Chuyến đi khép lại bằng việc chụp hình lưu niệm cùng với cộng đoàn Lốc Há. Hy vọng rằng, chuyến đi bác ái lần này đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người, nhất là các em thiếu nhi tại giáo xứ Kẻ Bền. Chính sự trải nghiệm này sẽ giúp các em từ nay biết sống quan tâm đến người khác và luôn biết sống chia sẻ đối với những người bất hạnh mà các sẽ gặp trên đường đời.
Qủa thật nếu không có sự hướng dẫn quan phòng của Thiên Chúa và sự che chở của Đức Maria, cùng những tấm lòng quảng đại đối với người nghèo, và tâm huyết truyền giáo của các quý vị ân nhân, chắc chắn Caritas Thanh Hóa không thể thực hiện được những chương trình thăm viếng và chia sẻ đậm nét đẹp và chan chứa yêu thương này. Caritas Thanh Hóa xin chân thành tri sự cộng tác và tinh thần chia sẻ của các vị ân nhân. Đồng thời Caritas Thanh Hóa cũng ước mong sẽ tiếp tục đón nhận sự đóng góp về tinh thần cũng như vật chất của các tổ chức cũng như cá nhân để Caritas Thanh Hóa có thể đến được với những mảnh đời bất hạnh xấu số mà chia sẻ và trao ban cho họ hơi ấm tình Chúa và tình người trên hành trình phục vụ và reo rắc Tin Mừng Tình Yêu của Đức Kitô.
BTT Caritas Thanh Hóa
Tin cùng chuyên mục:
Những Trái Tim Yêu Thương Giữa Mùa Mưa Lũ
Tiếng Gọi Từ Sâu Thẳm Tâm Hồn
Vầng Trăng Yêu Thương Giữa Mùa Thu Bệnh Viện
Sau Cơn Bão, Tình Người Càng Ấm Áp