Ai đã từng ngang qua sông Mã, con sông lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, chắc hẳn đều muốn nán lại ngắm nhìn khung cảnh lãng mạn nên thơ với những con thuyền bồng bềnh trôi theo dòng nước cùng cảnh vật đôi bờ cây cối ngát xanh. Nhưng ít ai biết rằng đằng sau bức tranh thơ mộng, hữu tình đó lại ẩn khuất một nét trầm buồn đến đau thương, nghiệt ngã. Ở đó, biết bao thế hệ người dân chài đang từng ngày phải chống chọi với đói nghèo, bệnh tật, thậm chí là ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Không có nhà để ở, sinh sống không có hộ khẩu, trẻ em chào đời không có giấy khai sinh, lớn lên không được đi học, người qua đời không có đất chôn. Những từ KHÔNG này được dùng để nói lên hoàn cảnh sống vô cùng đáng thương của những người dân chài sống lênh đênh trên sông nước của tỉnh Thanh Hóa.
Ghé thăm làng chài Cự Khánh thuộc giáo xứ Yên Khánh, xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vào một ngày con nước lên cao, phái đoàn Caritas Thanh Hóa do Cha Giám đốc Phaolô Nguyễn Văn Thường dẫn đầu đã có dịp tận mắt chứng kiến hoàn cảnh sống éo le của khoảng 300 hộ dân chài cư trú trên những chiếc thuyền được giằng níu ven bờ đất lở. Chiếc thuyền rộng vỏn vẹn vài ba mét vuông được dựng tạm bợ bằng xi măng hoặc gỗ, mái lợp tôn cũ kĩ chính là nơi sinh sống của tất cả các thế hệ trong gia đình. Ban ngày, các thuyền vắng tanh, chỉ có người già và trẻ nhỏ ở lại trên thuyền, đàn ông đi đánh cá, phụ nữ đi bắt tôm. Ngày nào may mắn thì kiếm được hơn trăm nghìn, ít thì vài ba chục, có khi lại chỉ kiếm được vài đồng, không đủ cơm cháo qua ngày.
Đặc biệt, vì sống lênh đênh theo con nước nay đây mai đó và vì không có hộ khẩu thường trú trên bờ nên con cái của các hộ dân chài ra đời không có giấy khai sinh, do đó các em không được đến trường. Hàng ngày, chúng theo cha mẹ làm nghề trên sông nước để mưu sinh. Những đứa trẻ từ 1- 4 tuổi được bố mẹ trông giữ bằng cách buộc dây trên người và cột vào mạn thuyền để tránh bị rơi xuống nước hoặc buộc quả bóng nhựa sau lưng, phòng khi chẳng may chết đuối còn tìm thấy xác. Cứ thế, tuổi thơ của các em lớn lên trong sự tù túng, sợ hãi, đói nghèo và chết chóc.
Ngay cả những người già cũng không tránh khỏi chết đuối nếu ở một mình. Cách đây không lâu, bà cụ Nguyễn Thị Vững, khoảng 80 tuổi, khi đang mon men đi trên mạn thuyền, chẳng may trượt chân rơi xuống nước và bị chết đuối. Vì lúc bà rớt xuống sông không ai hay biết nên mãi nhiều tiếng sau mới tìm thấy xác. Có những cụ già ngoài 80 tuổi vẫn phải bơi lội trên sông để kiếm sống qua ngày. Và khi không còn sức lực, họ chỉ biết nhốt mình trong con thuyền chật hẹp, thẫn thờ nhìn dòng nước trôi vô định giống như thân phận của chính mình. Đáng thương hơn nữa, vì cảnh đời “sống vô gia cư chết vô địa táng” nên khi có ai qua đời ở dưới thuyền thì rất khó để có thể được chôn cất trên bờ vì họ không có đất thánh riêng. Biết bao số phận đã bỏ mạng trên sông, biết bao cảnh đời mãi mãi trôi dạt theo dòng nước. Cũng một kiếp người nhưng sao cả sự sống và cái chết đều quá khổ đau.
Dừng lại bên chiếc thuyền nhỏ gần bờ, chúng tôi có dịp trò chuyện với gia đình anh Hải chị Dung để thấu hiểu hơn về hoàn cảnh bi thương của những người dân chài nơi đây. Gia đình anh chị có 5 người con thì một đứa con trai 6 tuổi đã bị rơi xuống sông và chết đuối. Không lâu sau đó, chiếc thuyền của người em trai anh Hải bị chìm cuốn theo cả đứa con trai. Ông nội (bố anh Hải) cố lặn vào thuyền để cứu cháu. Rất may cháu nhỏ đã được cứu sống, nhưng ông nội của cháu thì lại mãi mãi ra đi nơi dòng sông lạnh lẽo. Nhớ lại những mất mát, tang thương đó, những giọt nước mắt mặn chát không ngừng chảy dài trên những khuôn mặt chai sạn vì nắng mưa khiến cho bất cứ ai cũng không thể cầm lòng vì xót xa.
Rủi ro mất mạng không chỉ đến từ dòng nước dữ nhưng còn đến từ bệnh tật và đói nghèo. Cũng gia đình của anh chị Hải Dung, sau khi hai ông cháu bị chết đuối được một thời gian, thì đến lượt một người con khác của anh chị cũng qua đời vì bị viêm phế quản nhưng không có tiền chạy chữa. Nghẹn ngào trong trước mắt, chị Dung kể: “Thấy con ốm mãi không khỏi nên một mình con bế cháu đi bệnh viện. Đi hết cánh đồng này đến làng xóm kia. Khi thấy hai mẹ con đi bộ tất ta tất tửi, một người xe ôm chở cả hai đến nhà thương rồi bảo con hết 50 nghìn tiền xe. Trong túi không có một đồng nên con đã khóc lóc quỳ xuống van xin, chú xem ôm thương quá nên ngậm ngùi bỏ đi. Hơn một tháng trời nuôi con trong bệnh viện nhi Thanh Hoá, tiền không có một xu, con phải đi xin mì tôm để ăn. Cháu bị bệnh mà gia đình con quá nghèo không có tiền chạy chữa nên cháu đã mãi mãi ra đi.
Vâng, bao nhiêu con thuyền là bấy nhiêu cảnh đời, bấy nhiêu câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả họ đều chung cảnh nghèo khổ cùng cực, đang ở phía cuối của đường hầm không tìm thấy lối ra. Họ mơ ước được lên bờ sinh sống, có một mái nhà che mưa che nắng, để cuộc sống đỡ cơ cực, để con cái họ được vui chơi, học hành và lớn lên như bao đứa trẻ khác. Nhưng mơ ước ấy thật quá xa vời nếu như không có một phép màu thực sự xảy ra.
Cảm thương sâu sắc trước những mảnh đời bất hạnh đó, Ủy Ban Bác Ái Caritas Giáo phận Thanh Hóa đã cộng tác với cha Vũ Đức Tú, cựu quản xứ Yên Khánh, làm đơn lên chính quyền để xin cấp đất cho bà con dân chài. Kết quả là 99 hộ nghèo nhất trong các hộ dân chài trên sông Mã đã được chính quyền huyện Yên Định cấp đất làm nhà tại ba khu tái định cư thuộc các xã: Định Công, Định Hải và Định Tiến. Tuy nhiên, với hai bàn tay trắng và một chiếc thuyền con, các gia đình này không thể tự xây nhà cho mình. Chính vì thế, Ủy ban Caritas Thanh Hóa lại tiếp tục kêu gọi các tấm lòng hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ và giúp đỡ để xây dựng những căn nhà tình thương cho các hộ dân nghèo nơi đây.
Thật may mắn, ơn Chúa đã đổ tràn trên những người nghèo nơi đây khi không lâu sau lời kêu gọi, Caritas Thanh Hóa đã nhận được sự ủng hộ của Caritas Việt Nam, Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Thanh Hóa, chính quyền địa phương cùng nhiều tổ chức và cá nhân trong nước cũng như ở hải ngoại đã đóng góp tiền xây nhà cho các hộ dân. Sau quá trình thi công gấp rút và nhiệt thành, ngày 16/7/2019 vừa qua, Caritas Thanh Hóa lại vui mừng bàn giao thêm 7 căn nhà nữa cho 7 gia đình tại khu tái định cư thuộc xã Định Công. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại 50 căn nhà đã hoàn thành và như vậy 50 hộ đã thoát cảnh lênh đênh trên sông nước để lên bờ sống một đời sống mới.
Đứng trong ngôi nhà mới thay thế cho chiếc thuyền con cũ kĩ, rách nát bấy lâu, họ cứ ngỡ như mơ, một giấc mơ khó thành hiện thực. Những người phụ nữ lam lũ liên tục quét dọn, lau chùi từng ngóc ngách trong ngôi nhà; những người đàn ông ngó nghiêng tìm chỗ sắp xếp đồ đạc; những người già ung dung ngồi nhâm nhi chén chè nhạt kể chuyện cơ cực “ngày xưa”; và từ trong nhà ra ngoài ngõ, những đứa trẻ vẫn hồn nhiên chạy nhảy, nô đùa tung tăng như thể chúng chưa từng trải qua bất cứ nỗi sợ hãi nào. Vậy là họ đã tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, sự sống đang dần nảy mầm từ trong cái chết, hạnh phúc dần hiện hình từ trong những đau thương, gian khổ. Từ đây, những người dân chài ấy không những có nơi cư ngụ an toàn, không còn nơm nớp lo sợ cái chết rình rập, đe dọa tính mạng, mà con cái họ còn có cơ hội được lớn lên như bao đứa trẻ khác trên bờ.
Có được căn nhà kiên cố trên bờ để sinh sống là một ước mơ bao đời của người dân chài Cự Khánh. Nhưng đối với Caritas Thanh Hóa thì đó mới chỉ là dự án tạm thời mà thôi. Dự án dài hạn trước mắt đó là làm sao giúp cho các gia đình sau khi được lên bờ có nghề nghiệp ổn định để hội nhập với cuộc sống mới. Đây cũng là trăn trở thao thức cha tân quản xứ Yên Khánh: Phaolo Trịnh Quang Tịnh, đã chia sẻ khi ngài thay mặt cho các hộ dân chài được nhận nhà mới cảm ơn quý ân nhân. Ngài tha thiết kêu gọi chính quyền cũng như các tổ chức từ thiện và mọi người tiếp tục đồng hành và giúp đỡ để bà con sớm ổn định cuộc sống.
Có được niềm hạnh phúc lớn lao này, Caritas Thanh Hóa xin hết lòng tri ân Đức Cha Chủ Tịch UB Bác Ái Tô-ma Vũ Đình Hiệu, cha Giám Đốc Caritas Việt Nam, Vinh-sơn Vũ Ngọc Đồng và đặc biệt anh Giuse Hoàng Thượng Vương đại diện Caritas Việt Nam (nhà tài trợ chính) đến tham dự buổi trao nhà tình thương. Caritas Thanh Hóa cũng xin hết lòng cảm ơn tất cả các vị ân nhân trong và ngoài nước đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong sứ vụ truyền rao tình Chúa, tình người tới những mảnh đời nghèo đói, bất hạnh. Tuy nhiên, ở làng chài ấy vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa được lên bờ và nhiều hộ có đất nhưng chưa có điều kiện để xây nhà. Caritas Thanh Hóa rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong tinh thần bác ái, yêu thương của tất cả các tổ chức và cá nhân để trong thời gian sớm nhất, các hộ dân chài còn lại sẽ được lên bờ và có nhà để ở, để sự sống tiếp tục hồi sinh trên mảnh đất còn lắm gian truân, nhọc nhằn.
BTT Caritas Thanh Hóa.
Tin cùng chuyên mục:
Những Trái Tim Yêu Thương Giữa Mùa Mưa Lũ
Tiếng Gọi Từ Sâu Thẳm Tâm Hồn
Vầng Trăng Yêu Thương Giữa Mùa Thu Bệnh Viện
Sau Cơn Bão, Tình Người Càng Ấm Áp